Thuốc giảm đau: Thông tin cần biết !

Đau là gì?

Đau là từ mà đã in sâu vào tiềm thức của tất cả mọi người từ nhỏ cho tới lớn, Đau được biết đến là một trong những biểu hiện, triệu chứng mà bất kỳ ai cũng đã từng ít nhất 1 lần gặp phải.

Tình trạng đau xuất hiện ở mọi loại đối tượng và do các nguyên nhân khác nhau, nói chung là đau là một triệu chứng thường gặp nhất và không chỉ đối với bệnh nhân trẻ tuổi hay lớn tuổi, bệnh nhân nội trú hay ngoại trú.

Khi bị đau thì việc đầu tiên mà người bệnh nghĩ tới là sử dụng thuốc giảm đau để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh lý, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân vẫn chưa có kiến thức về các loại thuốc giảm đau, và hay tự ý kê đơn thuốc về để tự điều trị tại nhà. Việc này hoàn toàn là không đem lại hiệu quả tích cực đối với bệnh lý của bản thân mà thậm trí còn gây ra nhiều tác hại khác nhau mà họ không lường trước được. Thuốc giảm đau có nhiều loại và được sử dụng trong các mục đích khác nhau, sau đây Ung Thư TAP sẽ đưa các bạn tìm hiểu sâu hơn về các nhóm thuốc, loại thuốc giảm đau thường được sử dụng trong đời sống.

Thuốc giảm đau là gì?

Thuốc giảm đau còn được gọi theo một cái tên khác là thuốc trị đau nhức là một dạng dược phẩm nói chung có tác dụng làm giảm các cơn đau khác nhau chẳng hạn như: đau đầu, đau cơ, đau xương khớp, đau răng, đau do ung thư, đau bụng kinh,...

Thuốc giảm đau được phân chia thành nhiều loại khác nhau, và có các tác dụng khác nhau, tùy thuộc và mục đích của người sử dụng mà các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới chia thuốc giảm đau thành 3 nhóm như sau:

  • Thuốc giảm đau nhóm I: Thuốc giảm đau nhóm này được được sử dụng với mục đích điều trị các cơn đau từ nhẹ cho tới trung bình. Trong số này có một số các loại thuốc giảm đau không opioid phổ biến gồm paracetamol, acid acetylsalicylic (aspirin) và một loại thuốc chống viêm không steroid (gọi tắt là các NSAID) như ibuprofen ở liều giảm đau.
  • Thuốc giảm đau nhóm II: Thuốc giảm đau nhóm này dùng với các cơn đau xuất hiện với một cường độ trung bình. Bao gồm một số thuốc opioid yếu như codein và tramadol.
  • Thuốc giảm đau nhóm III: Thuốc giảm đau nhóm này được đem ra sử dụng khi mà các cơn đau trở nên nghiêm trọng và dữ dội hơn và các thuốc giảm đau ở nhóm I và nhóm II không đáp ứng được. Bao gồm các thuốc giảm đau opioid mạnh như morphin.

Một số đặc điểm và liều dùng của thuốc giảm đau nhóm I

Thuốc giảm đau nhóm I (gồm paracetamol(acetaminophen), aspirin và các NSAID) là nhóm có khả năng hấp thụ tương đối tốt. Các thuốc giảm đau thuộc nhóm này hầu như rất ít gây ra sự phụ thuộc về thể chất hoặc tinh thần và tất cả đều có một tác dụng trần. Chúng có hiệu quả hầu hết là như nhau đối với cùng một loại cơn đau với cường độ từ nhẹ cho đến vừa.

Một số lưu ý với từng loại như sau:

Paracetamol hay còn gọi là acetaminophen

Paracetamol 500mg của Mediplantex

Thông tin thuốc: Paracetamol 500mg 

Paracetamol hay acetaminophen là thuốc giảm đau hạ sốt thông thường và phổ biến ở khắp mọi nơi, nó được coi như là một thuốc giảm đau cơ sở. Paracetamol được sử dụng ưu tiên cho cả người lớn và trẻ em do có cân bằng lợi ích/nguy cơ tốt.

Liều dùng của thuốc Paracetamol chung được tính như sau:

Người lớn

  • Liều 3 g/ngày, chia làm 4 hoặc 6 lần, cách nhau ít nhất 4 giờ. Nhìn chung, không nên vượt quá 3 g/ngày. Trong trường hợp đau nặng, liều tối đa có thể được tăng lên đến 4 g/ngày.

Trẻ em

  • Liều 60 mg/kg/ngày, chia làm 4 hoặc 6 lần, tức là 15 mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10 mg/kg mỗi 4 giờ.
  • Trên thực tế, liều sử dụng thường cao hơn, dao động từ 10 đến 15 mg/kg mỗi 4 giờ, đặc biệt là đối với cơn đau sau phẫu thuật.
  • Tổng liều không được vượt quá 80 mg/kg/ngày ở trẻ em có cân nặng dưới 37 kg và 3 g/ngày ở trẻ em có cân nặng trên 37 kg.

Paracetamol có tác động giảm đau theo cả cơ chế ngoại vi và trung ương. Thuốc acetaminophen thường được kết hợp với các thuốc giảm đau nhóm II: paracetamol kết hợp với codein phosphat cho tác dụng giảm đau vượt trội so với việc sử dụng đơn độc từng thành phần, với hiệu quả giảm đau kéo dài hơn.

Paracetamol không được khuyến cáo dùng trong các trường hợp đau do viêm vì thuốc hầu như không có tác dụng chống viêm, ngược lại với aspirin và NSAID. Một số trường hợp hiếm gặp xuất hiện dị ứng trên da và giảm tiểu cầu.

Chống chỉ định chính của paracetamol là:

Quá mẫn với thuốc.

Người suy giảm chức năng tế bào gan.

Rõ ràng, so với NSAID và thuốc giảm đau khác, việc có ít chống chỉ định góp phần làm tăng mức độ tin cậy trong việc sử dụng paracetamol.

Acid acetylsalicylic (aspirin)

Aspirin 81mg

Thông tin thuốc: Aspirin 81mg TV.PHARM

Acid acetylsalicylic hay aspirin đường biết đến vừa có tác dụng hạ sốt, chống viêm, vừa là một thuốc giảm đau được chỉ định trong các trường hợp đau mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc Acid acetylsalicylic thường được sử dụng khá phổ biến trong bệnh thấp khớp để điều trị các triệu chứng viêm và đau.

Liều dùng của thuốc Aspirin chung được tính như sau:

Người lớn và trẻ em có cân nặng trên 50 kg (khoảng 15 tuổi)

  • 1 g/lần, có thể lặp lại sau mỗi 4 giờ nếu cần, không vượt quá 3 g mỗi ngày (2 g ở người cao tuổi);
  • Sử dụng thuốc đều đặn, tuân thủ chế độ liều kể trên có thể giúp ngăn chặn tái phát cơn đau hoặc sốt;
  • Người bệnh không nên dùng aspirin kéo dài trên 3 ngày để hạ sốt và trên 5 ngày để giảm đau mà không được tư vấn của bác sĩ.
  • Aspirin có thể được sử dụng như thuốc chống viêm trong viêm khớp dạng thấp với liều tối đa 3-6 g mỗi ngày, chia làm 3 hoặc 4 liều, cách nhau tối thiểu 4 giờ.

Trẻ em

  • Cần hiệu chỉnh liều theo cân nặng và chọn dạng bào chế phù hợp.
  • Liều dùng hàng ngày được khuyến cáo là: 60 mg/kg/ngày, chia làm 4 hoặc 6 lần; tức là 15 mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10 mg/kg mỗi 4 giờ.

Chống chỉ định, bao gồm:

  • Quá mẫn với thuốc.
  • Bệnh nhân có tiền sử hen do sử dụng salicylat hoặc các thuốc có cơ chế tác dụng tương tự bao gồm NSAID.
  • Phụ nữ ở 3 tháng cuối của thai kỳ và đang cho con bú.
  • Bệnh nhân có loét dạ dày tá tràng giai đoạn tiến triển.
  • Các bệnh liên quan đến rối loạn yếu tố đông máu, suy gan nặng, suy giảm chức năng thận, suy tim không kiểm soát.
  • Bệnh nhân sử dụng methotrexat ở liều cao hơn 15 mg/tuần.
  • Các thuốc chống đông đường uống khi đang dùng aspirin liều cao trong các bệnh lý về khớp.

Lưu ý rằng aspirin không nên kết hợp với các thuốc chống đông đường uống (dù ở liều thấp), các NSAID khác, heparin và các thuốc tăng thải acid uric qua nước tiểu.

Một lưu ý khác khi sử dụng Aspirin là có thể gây ra hội chứng Reye.

  • Hội chứng này tuy rất hiếm gặp nhưng có nguy cơ xuất hiện ở trẻ em có dấu hiệu nhiễm virus (đặc biệt là thủy đậu, cúm) khi dùng aspirin.
  • Hội chứng này có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nôn và buồn ngủ đến liệt, thậm chí tử vong. Do đó, aspirin chỉ nên dùng cho những trẻ em với sự tư vấn của bác sĩ khi các biện pháp khác đã thất bại.

Trường hợp xảy ra nôn liên tục, bị mất ý thức hay có hành vi bất thường, cần ngừng điều trị bằng aspirin.

Các NSAID không phải loại salicylat

NSAIDs

NSAIDs

Các thuốc nhóm này được sử dụng đầu tay với liều cao để đạt hiệu quả chống viêm và liều thấp hơn trong các trường hợp điều trị đau nhẹ và trung bình: đau răng, đau đầu, đau nửa đầu, chấn thương nhẹ, đau vùng tai mũi họng. Kết hợp các thuốc này với các thuốc giảm đau mạnh thậm chí có thể tăng hiệu quả trong điều trị đau do ung thư.

Liều dùng cần hiệu chỉnh theo:

  • Tuổi của người bệnh, cần cân nhắc đến nguy cơ giảm đào thải thuốc ở người cao tuổi;
  • Một số tình trạng sinh lý (chú ý trên phụ nữ có thai và người có tiền sử dị ứng);
  • Cường độ và độ lặp lại của cơn đau.

Các thuốc nhóm NSAID có nhiều chống chỉ định cần được kiểm tra nghiêm ngặt, bao gồm:

  • Quá mẫn, dị ứng với các thuốc trong nhóm.
  • Loét dạ dày tá tràng tiến triển.
  • Suy tế bào gan, suy thận nặng, suy tim, tiền sử mới mắc viêm ruột và chảy máu trực tràng,
  • Người mất nước hoặc suy dinh dưỡng.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai (từ tháng thứ 6) và cho con bú.

Thuốc chống viêm không steroid có thể gây tăng kali máu. Nguy cơ này tăng lên khi sử dụng đồng thời với: muối kali, thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, thuốc ức chế men chuyển, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II, heparin (khối lượng phân tử thấp hay heparin không phân đoạn), các thuốc ức chế miễn dịch (ciclosporin, tacrolimus) và trimethoprim.

Floctafenin

Floctafenin là thuốc được sử dụng thuần túy với tác dụng giảm đau và chỉ dùng theo đường uống dưới dạng viên nén 200 mg. Liều dùng của thuốc là 1 viên/lần, có thể uống liều tiếp theo nếu cần, nhưng không vượt quá 4 viên/ngày. Cần tuân thủ khoảng cách tối thiểu giữa hai lần dùng là 4-6 giờ. Trong trường hợp đau nặng, có thể uống luôn 2 viên, sau đó khi đảm bảo khoảng cách tối thiểu, uống tiếp 1 viên nếu cần và không vượt quá 4 viên/ngày.

Thuốc có một số phản ứng bất lợi với tần suất rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, cần ngừng thuốc ngay. Thực tế đã ghi nhận một số trường hợp xảy ra các phản ứng dị ứng ở các mức độ khác nhau, từ mẩn ngứa trên da đến sốc. Các phản ứng này có thể xuất hiện sau các triệu chứng dị ứng nhẹ: ngứa ran ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, mẩn đỏ đột ngột ở da mặt hoặc cổ, phát ban, ngứa họng, cảm giác mệt mỏi.

Nefopam

Nefopam là một thuốc giảm đau dạng ống tiêm chứa 20 mg để tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp để điều trị triệu chứng các cơn đau cấp tính, bao gồm cả đau sau phẫu thuật. Thuốc có cấu trúc hóa học khác với các thuốc giảm đau thông thường, không có tác dụng chống viêm hoặc hạ sốt và không gây ức chế hô hấp. Tuy nhiên, thuốc có hoạt tính kháng acetylcholin nên chống chỉ định cho người bệnh có tiền sử rối loạn co giật, nguy cơ bí tiểu liên quan đến tuyến tiền liệt, glaucom góc đóng và suy mạch vành. Phản ứng bất lợi thường gặp của nefopam là buồn nôn và nôn.

Thuốc giảm đau nhóm II

Các thuốc giảm đau nhóm II bao gồm các thuốc có cơ chế tương tự morphin nhưng tác dụng giảm đau yếu hơn. Đây là các opioid yếu, thường sử dụng kết hợp với paracetamol. Việc kết hợp này đem lại hiệu quả giảm đau tốt nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tác dụng không mong muốn của cả hai hoạt chất liên quan. Thuốc giảm đau nhóm II được dành riêng cho những cơn đau trung bình đến dữ dội. Thuốc có thể thích hợp trong ít nhất ba tình huống:

  • Điều trị thất bại hay không có hiệu quả khi dùng một thuốc giảm đau nhóm I;
  • Điều trị tức thì trong các tình huống bệnh lý có cơn đau (sau chấn thương, phẫu thuật, ...);
  • Điều trị thay thế bằng đường uống sau khi sử dụng morphin đường tiêm.

Codein

ParalganEffer Codein

Thông tin thuốc: PanalganEffer Codein

Codein là một opioid yếu, được chuyển hóa nhanh thành morphin trong cơ thể với tỷ lệ 10%. Do vậy, thuốc có thời gian tác dụng tương đối dài với hiệu lực bằng khoảng 1/5 so với morphin. Codein kết hợp với paracetamol hoặc aspirin trong nhiều trường hợp để tăng cường tác dụng giảm đau. Liều lượng sử dụng phải được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo khả năng dung nạp thuốc.

Liều dùng của Codein:

Người lớn

  • 30-60 mg, lặp lại mỗi 4-6 giờ (với chỉ định điều trị ho, liều 10 mg mỗi 3-4 giờ).

Trẻ em

  • Codein trong các dạng siro có thể được sử dụng với liều 1-3 mg/kg/ngày, không vượt quá 6 mg/kg/ngày ở trẻ trên 1 tuổi.
  • Khi sử dụng liều trên 10 mg/kg/ngày, trẻ có nguy cơ co giật.
  • Opioid yếu này được kết hợp với paracetamol trong một số chế phẩm viên nén, có thể sử dụng cho trẻ ≥6 tuổi và cân nặng trên 14 kg.

Chống chỉ định codein trong một số trường hợp: quá mẫn với thuốc, ho có đờm, nghiện ma túy, tình trạng phụ thuộc opioid, suy hô hấp, hen, suy tim nặng, thời kỳ mang thai và cho con bú.

Ở liều điều trị, tác dụng không mong muốn của codein tương tự như các opioid khác, mặc dù hiếm gặp và nhẹ hơn: táo bón, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Đặc biệt đã ghi nhận được báo cáo về trường hợp co thắt phế quản, dị ứng hoặc suy hô hấp. Ngoài ra, thuốc còn có nguy cơ gây nghiện, hội chứng cai thuốc cho người dùng, kể cả trên trẻ sơ sinh khi sử dụng codein cho người mẹ trong giai đoạn mang thai.

Tramadol

Ultracet 37.5mg 325mg - Thuốc giảm đau hiệu quả của Janssen

Thông tin thuốc: Ultracet 37.5mg

Tramadol được chỉ định trong các cơn đau mức độ trung bình đến nặng. Ở liều điều trị, đây là một thuốc giảm đau trung ương có hiệu quả dựa trên tác dụng hiệp đồng thông qua 2 cơ chế:

  • Tác dụng tương tự các opioid thông qua việc gắn vào thụ thể μ của opioid.
  • Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương do ức chế tái thu hồi noradrenalin và serotonin, do đó kiểm soát được sự truyền tín hiệu đau về thần kinh trung ương.

Khi sử dụng ở liều điều trị, thuốc ít tác động trên tiêu hóa, ít ức chế hô hấp hơn so với morphin.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc ít gây phụ thuộc hơn so với morphin.

Hiệu lực giảm đau của tramadol bằng khoảng 1/10 đến 1/6 morphin.

Khi sử dụng kết hợp với các thuốc giảm đau nhóm I, hiệu lực giảm đau của thuốc được tăng cường.

Liều dùng của tramadol:

Dạng viên:

  • Cơn đau cấp: liều tấn công 100 mg, liều duy trì 50 mg hoặc 100 mg mỗi 4-6 giờ, không vượt quá 400 mg/24 giờ.
  • Cơn đau mạn: liều tấn công 50 hoặc 100 mg, liều duy trì 50 mg hoặc 100 mg mỗi 4-6 giờ, không vượt quá 400 mg/24 giờ.

Dạng dung dịch tiêm:

  • Tramadol có thể tiêm tĩnh mạch chậm (2-3 phút) hoặc pha trong dịch truyền.
  • Cơn đau nặng: liều tấn công 100 mg. Trong vòng 1 giờ sau liều tần công, bổ sung 50 mg mỗi 10-20 phút, không vượt quá tổng liều 250 mg (bao gồm cả liều tấn công). Sau đó, có thể sử dụng 50 hoặc 100 mg mỗi 4-6 giờ, không vượt quá 600 mg/ngày.
  • Cơn đau trung bình: 50 hoặc 100 mg trong giờ đầu tiên.

Trường hợp đặc biệt:

  • Khi sử dụng cho bệnh nhân trên 75 tuổi (dạng viên nang hoặc dung dịch tiêm), cần kéo dài khoảng cách giữa các lần dùng (9 giờ đối với dạng viên nang).
  • Trường hợp suy gan, cần giảm liều mỗi lần đi một nửa hoặc tăng khoảng cách đưa liều lên 2 lần (12 giờ).
  • Trường hợp suy thận, cần tăng khoảng thời gian giữa các lần dùng lên 2 lần (12 giờ) với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin <30 ml/phút và tránh sử dụng cho bệnh nhân có độ thanh thải <10 ml/phút.

Thuốc giảm đau nhóm III

Trong một thời gian dài, các opioid mạnh, đặc biệt là morphin không được sử dụng đúng mức trong thực hành do lo ngại suy hô hấp và gây nghiện. Khi sử dụng theo đơn và với mục đích giảm đau, nguy cơ dung nạp và nguy cơ gây nghiện của các thuốc này được hạn chế.

Các thuốc giảm đau nhóm III, còn gọi là opioid mạnh, được chia thành ba nhóm: chất chủ vận toàn phần (morphin), chất chủ vận từng phần (buprenorphin) và chất đối kháng (nalbuphin). Nguyên tắc chung là không bao giờ được kết hợp chất chủ vận từng phần và chất đối vận với chất chủ vận toàn phần do tác dụng đối kháng của các thuốc.

Morphin

Morphin 30mg - Thuốc giảm đau hiệu quả của dược phẩm TW2

Thông tin thuốc: Morphin 30mg

Morphin được coi là thuốc tham chiếu trong nhóm thuốc giảm đau mạnh, mặc dù cường độ tác dụng của morphin không phải là mạnh nhất. Morphin thích hợp cho các trường hợp đau dai dẳng, dữ dội hay khó điều trị (đặc biệt là đau ung thư). Cần thay đổi một số quan niệm thường gặp về morphin, gây ra nỗi sợ hãi vô cớ cho bệnh nhân và cản trở tiếp cận điều trị. Thực tế, trong bối cảnh điều trị, thuốc không gây ảo giác, không gây phụ thuộc và không cần hạn chế sử dụng trên các bệnh nhân giai đoạn cuối. Tuy nhiên, sử dụng thuốc không hợp lý luôn kèm theo nguy cơ lệ thuộc thuốc.

Liều dùng của Morphin: Nên ưu tiên sử dụng đường uống.

  • Liều khởi đầu thông thường là 60 mg/ngày, tiếp theo cần dò liều để xác định mức liều thấp nhất có hiệu quả.
  • Cách đơn giản nhất là sử dụng morphin dạng tác dụng nhanh mỗi 4 giờ và chỉnh liều mỗi 8 giờ bằng cách tăng liều từ 30% đến 50%.
  • Giữa các lần dùng thuốc theo giờ cố định, có thể bổ sung liều trung gian hay liều dự phòng nếu vẫn có yêu cầu giảm đau.
  • Ví dụ: trong thời gian đầu tiên, có thể đưa thuốc mỗi giờ. Liều dự phòng tương đương 10%-15% tổng liều 24 giờ.

Chống chỉ định sử dụng morphin trong trường hợp:

  • Quá mẫn với thuốc.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi, suy hô hấp mất bù, suy gan nặng (có hội chứng não gan).
  • Người bị bệnh cấp tính (chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ, không có thông khí kiểm soát), động kinh không kiểm soát.
  • phụ nữ cho con bú và khi khôi phục hoặc tiếp tục một phác đồ điều trị kéo dài sau khi sinh con.

Fentanyl

Fentanyl - Hameln 50mcg/ml - Thuốc giúp giảm đau và an thần

Thông tin thuốc: Fentanyl - Hameln 50mcg/ml

Đây là thuốc giảm đau mạnh có cơ chế tác dụng tương tự như morphin nhưng tác dụng nhanh và kéo dài. Tác dụng giảm đau của fentanyl mạnh hơn morphin 100 lần. Fentanyl được chỉ định cho cơn đau mạn tính và nghiêm trọng không thể giải quyết được bằng thuốc giảm đau opioid khác. Một số chế phẩm fentanyl giải phóng kéo dài từ dạng bào chế hấp thu qua da đã được phát triển để thay thế cho đường uống khi cơn đau ổn định và có ít tác dụng phụ hơn so với morphin.

Khi bắt đầu sử dụng fentanyl, phải cân nhắc đến phác đồ opioid trước đó. Cần xem xét khả năng xuất hiện nguy cơ lệ thuộc thuốc, tình trạng bệnh nhân, và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do đó, liều lượng không nên cố định mà được tính toán dựa vào tất cả các tiêu chí trên.

Chống chỉ định dùng fentanyl trong các trường hợp:

  • Quá mẫn cảm, đau cấp tính ngắn sau phẫu thuật (do không thể chỉnh liều trong một thời gian ngắn),
  • Rối loạn nghiêm trọng hệ thần kinh và người bệnh chưa bao giờ dùng opioid.

Nguồn thông tin: http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/Magazine/Details/155

Bình luận

Bạn hãy là người đầu tiên nhận xét về sản phẩm này

Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat FB