Tại Việt Nam, ung thư là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu, số ca mắc bệnh và tử vong tăng lên theo hằng năm. Đặc biệt trong số đó, có một số loại ung thư thường gặp ở nam giới. Do thói quen sống, di truyền và các yếu tố khác khiến nam giới dễ bị mắc một số loại ung thư hơn nữ giới.
Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, năm 2018, khoảng 18 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Trong số đó, 9,5 triệu người là nam giới. Đôi khi, căn bệnh được phát hiện một cách ngẫu nhiên, trong buổi xét nghiệm hoặc thăm khám tổng thể thông thường. Một số loại ung thư đặc biệt ảnh hưởng đến đàn ông bao gồm:
Ung thư phổi
Chỉ trong năm 2018, thế giới ghi nhận hơn 1,3 triệu trường hợp ung thư phổi mới ở nam giới. Đây cũng là loại ung thư nguy hiểm nhất đối với đàn ông.
Khối u có thể hình thành trước khi người bệnh phát triển bất cứ triệu chứng nào. Nếu cảm thấy đau ngực, khó thở, khàn giọng hoặc ho ra máu, bạn nên đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán.
Những yếu tố có thể gây ra ung thư phổi bao gồm hút thuốc hoặc tiếp xúc nhiều với người có thói quen này.
Thống kê cho thấy: nếu hút 1- 9 điếu thuốc/ngày, khả năng mắc ung thư phổi là 4,6%, 10 – 19 điếu là 8,6%, 20 – 30 điếu sẽ là 14,7%. Những nguyên nhân khác như tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá hay với khí radon, các ô nhiễm không khí từ công nghệ kim loại nặng,… cùng cộng lại với nhau thì khả năng mắc bệnh cao hơn.
Ung thư tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là hạch nhỏ nằm dưới bọng đái gần ruột già và bao quanh niệu đạo. Đây là cơ quan chỉ có ở nam giới, nhưng nó lại trở thành một trong những kẻ giết người thầm lặng nếu chuyển thành ung thư. Đây là loại ung thư phổ biến thứ hai ở nam giới toàn cầu.
Nếu có họ hàng từng bị ung thư tuyến tiền liệt, bạn nên bắt đầu xét nghiệm ở độ tuổi 40. Đàn ông có nguy cơ mắc bệnh nên tiến hành kiểm tra thường xuyên ở độ tuổi 50. Các yếu tố như chủng tộc, tiền sử bệnh tật của gia đình và tuổi tác có thể tác động đến sự phát triển của khối u trong cơ thể.
Triệu chứng ban đầu bao gồm bí tiểu, tiểu ra máu hoặc nhức xương. Những biểu hiện này có thể không rõ ràng cho đến khi bệnh đã tiến triển.
Ung thư gan
Ung thư gan có rất ít cơ hội điều trị cho những người mắc bệnh. Thông thường, khi bệnh được phát hiện đã ở giai đoạn muộn, người bệnh chỉ có thể sống được thêm từ 3 – 6 tháng. Chiếm 91% – viêm gan B và C là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan.
Yếu tố chính dẫn đến ung thư gan là thói quen dùng đồ uống có cồn. Lạm dụng rượu bia cũng dễ gây bệnh xơ, hóa sẹo ở gan. Năm 2018, gần 600.000 nam giới được chẩn đoán mắc ung thư gan.
Các triệu chứng của ung thư gan như: vàng da, vàng mắt, gan hoặc lách to, buồn nôn, kém ăn, sụt cân, trướng bụng…
Ung thư đại trực tràng
Căn bệnh thường không được chú ý nhiều vì triệu chứng sơ bộ nghèo nàn, không rõ rệt. Khối u được tìm thấy ở ruột già, ruột kết. Số nam giới mắc ung thư đại trực tràng mỗi năm khoảng 8.000 ca, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 13.000.
Táo bón, chảy máu trực tràng, đau bụng, cơ thể yếu và sụt cân… là những triệu chứng phổ biến nhất ở ung thư đại tràng. Đối tượng mục tiêu của căn bệnh này là nam giới thuộc nhóm tuổi từ 30 – 60, thường xuyên ăn uống không khoa học, ăn nhiều thịt, các thực phẩm được chế biến sẵn, thiếu chất xơ và ít hoạt động thể chất.
Rượu bia và thuốc lá cũng là những người bạn thân thiết của căn bệnh ung thư đại trực tràng. Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như rối loạn tiêu hóa, trĩ, viêm loét dạ dày và kiết lỵ.
Ung thư dạ dày
Năm 2018, gần 700.000 trường hợp ung thư dạ dày được ghi nhận ở nam giới. Giống như các bệnh khác, triệu chứng thường không biểu hiện ở giai đoạn đầu. Tại Mỹ, chỉ có khoảng 20% bệnh nhân được phát hiện sớm, trước khi khối u lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Dấu hiệu nhân biết bao gồm buồn nôn, kém ăn, sụt cân, trướng bụng…
Những người cao tuổi, béo phì, hay hút thuốc và ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, thịt muối thường dễ phát triển ung thư dạ dày.
Ung thư miệng và vòm họng
Ung thư miệng và ung thư họng thường gặp ở nam giới nhiều hơn do những thói quen, lối sống thiếu lành mạnh như nghiện rượu nặng, hút thuốc lá, chế độ ăn uống thiếu rau xanh và trái cây tươi, nhiễn trùng.
Hiện chưa có phương pháp điều trị ung thư. Tuy nhiên có một số cách thức giúp ngăn chặn khối u phát triển. Bên cạnh tầm soát sớm và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, chăm tập thể dục, tránh hút thuốc và sử dụng rượu bia quá mức là những thói quen cần thiết để ngăn ngừa các loại ung thư.