Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là gì? 

  • Ung thư cổ tử cung là sự tăng trưởng bất thường hình thành trong cổ tử cung (phần dưới của tử cung). Đây là bệnh ung thư xảy ra phổ biến thứ 10 với tỷ lệ tử vong do ung thư cao thứ 8 ở phụ nữ Singapore. 

Các giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung

Giai đoạn ung thư cổ tử cung được xếp từ giai đoạn I đến IV. Theo quy định, số càng nhỏ, ung thư càng ít lan rộng.

  • Giai đoạn I
    Các tế bào ung thư phát triển từ bề mặt cổ tử cung xuống các mô sâu hơn của cổ tử cung. Ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay các cơ quan xa.
  • Giai đoạn II
    Ở giai đoạn II, ung thư cổ tử cung đã phát triển vượt ra ngoài cổ tử cung và tử cung nhưng chưa lan đến các thành của khung chậu hoặc phần dưới của âm đạo. Các tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay các cơ quan xa.
  • Giai đoạn III
    Ở giai đoạn này, ung thư cổ tử cung đã lan đến phần dưới của âm đạo hoặc các thành của khung chậu. Ung thư có thể làm tắc niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang). Ung thư cũng có thể đã hoặc chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận. Các tế bào ung thư chưa lan đến các cơ quan xa.
  • Giai đoạn IV
    Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV (giai đoạn cuối) đã xâm lấn vào bàng quang hoặc trực tràng hoặc lan đến các cơ quan xa như phổi hoặc xương.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là gì?

Nguyên nhân phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là nhiễm vi-rút gây u nhú ở người (HPV), mặc dù không phải tất cả phụ nữ nhiễm vi-rút HPV đều mắc ung thư cổ tử cung.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung

  • Có bạn tình nam bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục hoặc có tiền sử (các) bạn tình bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục hoặc từng mắc ung thư cổ tử cung
  • Trước đây từng bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục
  • Quan hệ tình dục lần đầu tiên trước 20 tuổi
  • Tiền sử có nhiều bạn tình
  • Hút thuốc
  • Sử dụng thuốc tránh thai

Cách ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa và chữa trị dứt điểm nếu như bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm. Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, phụ nữ có thể thay đổi lối sống, ví dụ như:

  • Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động hợp lý.
  • Không quan hệ tình dục quá sớm và bừa bãi.
  • Không lạm dụng thuốc tránh thai.
  • Giữ vệ sinh âm đạo sạch sẽ.
  • Kết hợp tiêm phòng vắc-xin HPV.

Ngoài ra, phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở độ tuổi 30 - 49 nên làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bạn cũng có thể làm xét nghiệm ở độ tuổi sớm hơn nếu thấy biểu hiện bất thường.

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung có các dấu hiệu sau:

  • Chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường (sau khi quan hệ tình dục hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt)
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau lưng dưới hoặc đau vùng chậu
  • Các triệu chứng ở giai đoạn muộn bao gồm các vấn đề về tiểu tiện, đại tiện hoặc phù chân

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung như thế nào?

Kiểm tra sàng lọc định kỳ cổ tử cung

  • Bạn cần kiểm tra sàng lọc định kỳ cổ tử cung nếu có quan hệ tình dục – 3 năm một lần cho tới 30 tuổi, sau đó là 5 năm một lần nếu xét nghiệm bình thường. Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được và hiệu quả điều trị cao nếu được phát hiện và điều trị sớm thông qua kiểm tra sàng lọc định kỳ.

Xét nghiệm phết tế bào âm đạo (Pap smear)

  • Xét nghiệm phết thành tế bào âm đạo là phương pháp kiểm tra sàng lọc cổ tử cung được sử dụng để phát hiện các tế bào tiền ung thư và ung thư tiềm tàng trong cổ tử cung.
  • Xét nghiệm phết tế bào âm đạo là phương pháp kiểm tra sàng lọc cổ tử cung được sử dụng để phát hiện các tế bào tiền ung thư và ung thư tiềm tàng trong cổ tử cung. Xét nghiệm có thể được thực hiện bởi bác sĩ phụ khoa, và thường chỉ mất vài phút. Trong quá trình phết tế bào âm đạo, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ được gọi là mỏ vịt nhằm giữ các thành âm đạo mở để bác sĩ có thể nhìn thấy cổ tử cung rõ ràng. Sau đó, sử dụng một cọ mềm hoặc thìa để thu thập các tế bào mẫu trong cổ tử cung. Sau đó, những tế bào này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để được xét nghiệm về tính chất ung thư hoặc tiền ung thư.
  • Phụ nữ cần kiêng quan hệ tình dục trong 24 giờ trước khi xét nghiệm, và không nên tiến hành xét nghiệm khi đang trong kỳ kinh nguyệt.

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn ung thư cổ tử cung:

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn tiền ung thư

  • Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiền ung thư được điều trị bằng cách loại bỏ các tế bào bất thường khỏi lớp niêm mạc cổ tử cung thông qua thủ thuật phá hủy tại chỗ hoặc khoét chóp – điều này thường giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.
  • Khoét chóp cổ tử cung

  • Khoét chóp cổ tử cung là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vùng chuyển tiếp ở cổ tử cung bị tổn thương nằm trong âm đạo theo hình chóp nón, có đáy là hai môi trước và sau cổ tử cung.
  • Phá hủy tại chỗ

  • Phá hủy tại chỗ là thủ thuật phá hủy mô cổ tử cung bằng nhiệt độ lạnh (còn gọi là phẫu thuật lạnh hay áp lạnh) hoặc bằng tia laser (đốt laze) thay vì cắt bỏ.
  • Trong phẫu thuật lạnh, một đầu dò kim loại rất lạnh được đặt trực tiếp vào cổ tử cung, phá hủy các tế bào bất thường bằng cách đóng băng chúng.
  • Trong đốt laze, một chùm tia laze hội tụ được chiếu qua âm đạo để đốt cháy các tế bào bất thường. Thủ thuật được tiến hành trong điều kiện gây tê (thuốc tê) ngay tại phòng khám của bác sĩ hoặc gây mê toàn thân trong phòng phẫu thuật vì thủ thuật này gây cảm giác khó chịu nhiều hơn so với phẫu thuật lạnh.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm

  • Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm được điều trị bằng cách cắt bỏ tử cung (cắt tử cung) hoặc xạ trị (tia X năng lượng cao), thường kết hợp với hóa trị.
  • Cắt bỏ tử cung

    • Cắt bỏ tử cung là phương pháp phẫu thuật nhằm cắt bỏ toàn bộ tử cung, có thể được tiến hành bằng mổ hở hoặc mổ nội soi.
    • Phương pháp mổ hở bao gồm cắt tử cung qua đường âm đạo hoặc cắt tử cung qua vết mổ ở bụng.
    • Phẫu thuật cắt tử cung qua đường âm đạo: bác sĩ sẽ tiến hành cắt bên trong âm đạo và đưa tử cung bị cắt bỏ ra ngoài qua đường âm đạo.
    • Phẫu thuật cắt tử cung qua vết mổ ở bụng: bác sĩ sẽ rạch một đường ngang ở bụng và đưa tử cung ra ngoài qua vết rạch.
  • Hóa trị

    • Hóa trị là liệu pháp sử dụng các loại thuốc chống ung thư theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc bằng đường uống. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được tư vấn dùng hóa trị trước phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ) nhằm làm thu nhỏ khối u, giúp cho việc phẫu thuật sau đó trở nên ít xâm lấn hơn HOẶC dùng hóa trị sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ) nhằm tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại hoặc đã lan sang vùng khác nhưng không quan sát thấy (ngay cả bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh).

Điều trị Ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn

Ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn (tiến triển) được điều trị bằng xạ trị, thường kết hợp với hóa trị đồng thời

  • Xạ trị

    • Xạ trị là phương pháp sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao như: tia X, tia Gamma, các chùm tia điện tử, proton… để tiêu diệt hoặc phá hủy các tế bào ung thư. Ưu điểm của xạ trị là có thể tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời bảo tồn được các tế bào bình thường.

Nguồn: https://www.mountelizabeth.com.sg/vi/facilities-services/centre-excellence/cancer/cervical-cancer

Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat FB